Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

 
Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết (Lc 21, 3)
 
Hai người thầy trong một cuộc đời

          Con thích đi trên những con đường vắng. Yên tĩnh. Đủ không gian để chiêm nghiệm về mọi thứ quanh mình, và cũng đủ thời gian để con nhớ về cuộc đời của mẹ - cuộc đời của một nhà giáo, một lương y đầy gian nan vất vả nhưng cũng thật lớn lao, thật kiên cường . . . để giúp con có đủ nghị lực bước lên phía trước.
          Ngoại kể cho con nghe ngay từ nhỏ mẹ đã rất vất vả, là con thứ hai trong gia đình có 6 anh chị em nên mọi công lớn việc nhỏ đều phải đỡ đần cha mẹ. Giữa cái thời khói lửa ấy, vừa tránh bom tránh đạn, lại vừa phải lo cho cái dạ dày suốt ngày sôi sùng sục bởi đói cơm, với cái lạnh cắt da cắt thịt bởi đói áo. Vậy mà mẹ ham học lắm, vẫn đói cơm đói áo, vẫn lăn vào phụ giúp cha mẹ cấy cày, mót khoai mót sắn, kéo te, mò cua, bắt ốc. Vật lộn với cái nắng chang chang, với cái rét căm căm nhưng không ngăn được quyết tâm học tập của mẹ, mẹ vẫn mũ rơm tới trường với hy vọng được làm cô giáo. Thế rồi mẹ cũng học hết cấp 3.
           Gian nan cứ nối tiếp gian nan! Học hết cấp 3, mẹ nộp đơn thi vào nghành Sư phạm, nhưng thật trớ trêu, hồ sơ thi mẹ gửi lên xã để xã gửi xuống trường dự thi do vô tình hay cố ý đã được xếp vào một góc tối nào đó không được chuyển đi. Mẹ cứ đợi mãi giấy báo thi, đến ngày bạn bè khăn gói xuống trường thi mà giấy báo vẫn bặt vô âm tín, mẹ tất tưởi đi bộ xuống trường thì không thấy tên mình trong danh sách dự thi, ước mơ vỡ òa trong nước mắt, nhưng rồi gạt nước mắt mẹ lại cố gắng vừa phụ giúp ông bà, vừa ôn thi. Năm sau, mẹ đi thi, run rủi thay, số phận lại không mỉm cười với mẹ, mẹ thi trượt năm đó. Ước mơ giản dị mà cháy bỏng của mẹ lại như gặp phải cơn mưa rào ập xuống, lòng mẹ buốt giá. Vậy mà mẹ lại cố công ôn thi, ước mơ được dày công vun đắp cũng đã được đáp đền khi mẹ đỗ vào trường Sư phạm Thanh Hóa hệ 10 + 3.
             Mẹ kể con nghe kỷ niệm đã theo suốt cuộc đời mẹ. Ngày thi xong, mẹ đã quyết định đi làm ở khu công nghiệp Gang Thép Thái Nguyên, dù vẫn mang trong lòng ước mơ cháy bỏng được làm cô giáo. Ngay khi nhận được tin đỗ vào trường, người cha của mẹ đã cơm đùm cơm nắm đi bộ ròng rã gần cả tuần từ xã Đồng Tiến – huyện Triệu Sơn – tỉnh Thanh Hóa ra khu công nghiệp Gang Thép Thái Nguyên để báo tin và đón con gái về học. Giữa cái khát khao cháy bỏng của ước mơ, giữa ân tình không thể diễn tả hết của người cha. Mẹ đã xin nghỉ việc, dù rằng công việc lúc ấy rất thuận lợi và mẹ cũng đã có thể đỡ đần được gia đình.
              Hành trang cho ngày xuống trường học Sư Phạm của mẹ là quyết tâm của bản thân, là những lời động viên và niềm tin của ông bà ngoại trao cho mẹ gói gém trong đùm cơm nắm mo cau cho mẹ lót dạ đi đường. Cuộc đời mẹ đã sang trang mới dù khó khăn, thách thức phía trước là rất nhiều. Sau 3 năm miệt mài đèn sách, dù đói khổ nhiều nhưng những con chữ đã mở cho mẹ con đường phía trước vì tương lai.
             Tháng 9 năm 1979, theo tiếng gọi của tổ quốc, mẹ tình nguyện lên trường THCS Yên Nhân – huyện Thường Xuân – tỉnh Thanh Hóa và bắt đầu cuộc sống của một giáo viên dạy Văn từ đó. Mẹ đã cùng nhà trường vận động bà con bản làng xây dựng những phòng học, dù ngày đó nhà tranh vách nứa đơn sơ thôi, mẹ hòa nhập vào cuộc sống bản làng, hiểu họ và vận động họ cho con em tới trường. Việc vận động con em ở đây đi học được đã khó, để các em không bỏ học giữa chừng lại càng khó hơn, bởi bất đồng ngôn ngữ, bởi cuộc sống khó khăn, bởi học sinh không cùng trang lứa, có những em đi học mà tuổi còn lớn hơn cả giáo viên, việc dạy học quả là không dễ dàng chút nào. Nhưng cùng với đồng nghiệp, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ và lòng đam mê nghề nghiệp, mẹ đã vượt qua tất cả để gieo cái chữ vào mầm đá, đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp trồng người.
            Tháng 9 năm 1983, ông ngoại không được khỏe, mẹ xin chuyển trường về nơi chôn rau cắt rốn, để hiếu kính với cha, để góp mình vào sự nghiệp giáo dục của xã nhà tại trường THCS Đồng Thắng, sau đó là trường THCS Đồng Tiến – huyện Triệu Sơn – tỉnh Thanh Hóa. Mẹ có cơ hội đi dạy ở trường tỉnh, nhưng phần thương cha mẹ già, phần thương học trò nghèo ở xã mẹ đã từ chối.
           Năm 1985, sau khi từ chối nhiều đám khá giả, mẹ vượt qua điều tiếng để mang tình yêu đến với cha, mang tình thương đến với hai đứa trẻ côi cút. Cuộc sống gia đình với bao khó khăn lại chất chồng lên vai mẹ khi con ra đời trong niềm hân hoan của cả gia đình, rồi sau đó là cha quyết định đi học nghề thuốc Đông Y, mẹ lại trăn trở trong từng bữa ăn của gia đình, trong từng giấc ngủ của con trẻ, lại lo tiền cho cha đi học, và lo tiền cho cha làm nghề thầy thuốc sau khi học xong. Mẹ tìm đất khai hoang, chỗ nào đầu thừa đuôi thẹo hợp tác xã không sử dụng được vào việc canh tác, mẹ lại tận dụng để trồng lúa. Và dưới ngọn đèn dầu đêm khuya, mẹ vẫn miệt mài bên từng trang giáo án để ngày mai những trang văn mượt mà, thấm đẫm lòng nhiệt thành lại đến với các em học sinh. Mẹ còn tham gia vào các phong trào nhường cơm sẻ áo, giúp học sinh nghèo vượt khó, để mỗi lần đến lớp lòng mẹ sẽ không thắt lại khi thấy vắng học sinh.
          Dù vất vả, mẹ vẫn hân hoan trong niềm vui khi được đứng trước các em để truyền đạt kiến thức, trong lời giảng của mẹ đã có thêm sức nặng từ những hạt mồ hôi, truyền cho các em sức mạnh để vượt qua gian khó.
          Do cuộc sống quá khó khăn nên cha quyết định vào vùng kinh tế Tây Nguyên  để lập nghiệp. Cha chỉ đỡ đần mẹ được khi vào ngày tết hay những dịp về quê. Em trai con  ra đời. Mẹ lại bồn bề với bao nỗi lo toan, mẹ thương con hay ốm yếu, thương học trò ốm đau không có tiền để chữa bệnh, với những bài học và kinh nghiệm làm thuốc cha đã chỉ bảo, và vốn kiến thức về các bài thuốc dân gian, mẹ quyết tâm học nghề và rồi những trận sốt của các con, những cơn đau của các học sinh được mẹ xoa dịu, chữa trị bằng những kiến thức đã tự học được từ những bài thuốc cổ truyền. Chuyên môn giảng dạy cũng được mẹ luôn nâng cao qua từng đợt tập huấn, qua sách vở, qua những trang sáng kiến kinh nghiệm mà có hôm mẹ đã thức thâu đêm. Ánh mắt mẹ ngấn lệ vì vui khi thấy lớp học luôn đông đủ, con em của các thôn xóm đến trường đông hơn.
         Cả đời mẹ tay phấn, tay cày tay cuốc, tay thuốc chữa bệnh. Và mẹ cho con, cho học sinh của mẹ những kiến thức, tình yêu thương, lòng kiên trì, sự vươn lên trong cuộc sống, sự đam mê, niềm tin đi đến tận cùng của sự đam mê, cho chúng con sáng ngời chân lý “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. 
          Mỗi nét bút là một lời tri ân và hơn thế nữa, con xin tạ lỗi với mẹ, tạ lỗi với ước mơ khi thi không đậu vào đại học sư phạm. Để rồi ước mơ lại cháy bùng trong tâm hồn con, thôi thúc con bước tiếp những chặng đường, bởi con biết mỗi chặng đường con đi đều có tinh thần của mẹ, nhiệt huyết của cuộc đời một nhà giáo, tấm lòng của một thầy thuốc soi đường, chỉ lối cho con bước tiếp ước mơ.


Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, Chúng con cảm tạ Chúa đã thương viếng thăm linh hồn chúng con. Chúng con xin chúc tụng ngợi khen Chúa, là Chúa của trí lòng chúng con. Xin cho chúng con luôn tràn ngập hân hoan trong tình yêu Chúa. Xin Mình Thánh Chúa tái tạo tâm hồn chúng con theo hình ảnh Chúa. Xin gìn giữ tâm hồn chúng con luôn thanh sạch và tránh xa những tư tưởng, hình ảnh xấu làm hoen ố tâm hồn chúng con.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, Chúa đã yêu thương chúng con từ đời đời. Chúa hằng luôn mong mỏi điều tốt lành đến với chúng con. Chúa là mục tử luôn chăm sóc ân cần đến từng cuộc đời của chúng con. Chúng con xin tạ ơn tình thương bao la mà Chúa đã dành cho chúng con. Chúa luôn ban cho chúng con rất nhiều niềm vui trong cuộc sống. Chúa còn cho chúng con rất nhiều ân huệ nhưng không của Chúa. Xin giúp chúng con biết đón nhận với lòng tri ân cảm tạ, và biết theo gương Chúa, chúng con cũng biết sống yêu thương và phục vụ tha nhân.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con trái tim của Chúa để chúng con luôn biết đem lại niềm vui cho mọi người. Xin ban cho con tình yêu của Chúa, để chúng con sẵn lòng giúp đỡ những ai cậy nhờ chúng con. Xin cho chúng con luôn biết sống vì tha nhân như Chúa đã sống vì yêu thương chúng con. Amen

3 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Lời ngoại lời mẹ kể ngày nào, kỷ niệm êm đềm ngày nào được cháu được con dệt nên chuyện thơ chuyện tình…..
    Những lời cầu nguyện đơn sơ và những lời hồi tưởng mộc mạc khiến lòng tôi nao nao ...

    Trả lờiXóa
  3. Những năm tháng ấy thật là gian khổ, nhưng có lẽ ai vượt qua được người đó đã trưởng thành. Tôi cũng đã trải qua những gian khổ đó, và mỗi khi nhớ lại đoạn đời ấy, tôi cảm thấy ấm lòng. . . Chúa đã dắt tôi qua đoạn đời đó thật tài tình! Thanks again!

    Trả lờiXóa